Những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹLợi ích đối với trẻ:- Là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trẻ trong 6 tháng đầu.
- Thúc đẩy sự phát triển cơ thể trẻ.
- Kích thích sự phát triển não.
- Phòng ngừa các bệnh nhiễn khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.
- Dễ tiêu hóa, sử dụng hiệu quả.
- Cung cấp đầy đủ nước cho trẻ trong 6 tháng đầu.
- Sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.
Lợi ích đối với bà mẹ- Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ nhau và tránh mất máu cho mẹ.
- Trẻ bú mẹ kích thích co hồi tử cung tốt.
- Cho trẻ bú ngay và thường xuyên tăng cường sản xuất sữa.
- Giúp tăng cường tình cảm mẹ con.
- Phòng ung thư vú, cổ tử cung và thiếu máu.
- Nhanh lấy lại vóc dáng, chậm có thai trở lại.
Lợi ích đối với gia đình- Tiết kiệm
- Dễ thực hiện
- Sạch, sẵn có, nhiệt độ phù hợp cho trẻ.
Sự khác nhau giữa các loại sữa.- Sữa non: là loại sữa đặc biệt, được tiết ra trong 3 ngày đầu sau sinh. Sữa non sánh đặc, có màu vàng nhạt hoặc trong. Sữa non chứa nhiều đạm, bạch cầu, giàu kháng thể, vitamin A, làm sạch ruột, chống nhiễm trùng, dị ứng, vàng da, giảm mức độ nghiêm trọng khi nhiễm bệnh.
- Sữa đầu bữa: có màu hơi xanh, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác. Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú mẹ là đủ, không cần uống thêm nước, ngay cả khi thời tiết nóng.
- Sữa cuối bữa: bầu vú mẹ lúc này đã hết căng, sữa có màu trắng chứa nhiều chất béo, cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn, vì vậy nên để trẻ bú đến hết sữa cuối, không chuyển bên sớm, nên cho trẻ bú cạn một bầu sữa rồi mới chuyển bên.
Đáp ứng nhu cầu năng lượng từ sữa mẹ Trong 6 tháng đầu sau đẻ, bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ. Từ 6 tháng tuổi, sữa mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Cụ thể: từ 6-12 tháng tuổi sữa mẹ cung cấp 70% nhu cầu năng lượng và từ 1-2 tuổi sữa mẹ cung cấp 30-40% nhu cầu năng lượng. Vì vậy, tất cả trẻ từ tháng thứ 7 trở đi ngoài sữa mẹ đều cần được ăn bổ sung. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng và cung cấp các chất dinh dưỡng có chất lượng cao cho trẻ trên 6 tháng tuổi nên cần duy trì tới khi có thức ăn thay thế đầy đủ sữa mẹ.
Dấu hiệu trẻ đòi bú mẹ: - Xoay xở, không nằm yên.
- Há miệng và quay đầu sang hai bên.
- Đưa lưỡi ra vào.
- Mút ngón tay hoặc mút nắm tay.
Mỗi lần cho trẻ bú kéo dài chừng nào trẻ còn muốn bú cho đến khi trẻ tự nhả vú ra. Nếu một lần bú kéo dài hơn nửa tiếng hoặc các lần bú quá gần (các lần chỉ cách nhau 1-1,5 tiếng) là dấu hiệu trẻ không được ngậm bắt vú đúng và bú không có hiệu quả, cần kiểm tra đánh giá lại.
Nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, đó là dấu hiệu của bú mẹ đủ (trong 2 ngày đầu khi bú sữa non thì chỉ làm ướt 1-2 tã/ngày).
Khi trẻ bị ốm (bệnh), vẫn tiếp tục cho trẻ bú, cần cho bú thường xuyên hơn và lâu hơn.
Chế độ dinh dưỡng khi cho con bú- Ăn uống nhiều hơn bình thường, thức ăn đủ chất, không ăn kiêng, ăn thức ăn có nhiều gia vị, không uống rượu, cà phê và hút thuốt lá.
- Chú ý ăn thêm các loại thực phẩm: tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, đậu đỏ, lạc, vừng, rau xanh và quả chín.
- Uống nhiều nước (1.5 đến 2 lít/ngày) vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa.
- Chỉ dùng thuốc khi có sự hướng dẫn của cán bộ y tế.