Là người con dân tộc S’tiêng, bà Thị Mương sinh ra và lớn lên tại vùng quê thuộc ấp Bù Dinh (xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Khi còn là thiếu nữ, hình ảnh bà, mẹ cùng các dì ngồi dệt vải bên những khung tre đã in sâu và tiềm thức Thị Mương. Từ những bông vải được kéo sợi thành chỉ, người phụ nữ dân tộc S’tiêng sẽ xếp chỉ lên khung, kéo sợi, dệt và nhuộm màu để làm nên những mặt hàng thủ công, khăn, áo, khố, váy,… tinh xảo với hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào mình.
Bà Thị Mương bên khung dệt |
Đối với người S’tiêng nói chung hay cụ thể là phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, dệt thổ cẩm chính là cái nghề truyền thống đã “ăn sâu” trong máu. Dù cho công việc này đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp, tiêu tốn thời gian, họ vẫn sẵn lòng làm một cách chỉn chu nhất. Mỗi chiếc khăn đội đầu, khăn quàng cổ, đến váy, khố, mền đất đều kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, cần cù của người phụ nữ. Chính vì vậy, sản phẩm cũng có giá thành tương đối cao nếu so với các mặt hàng cùng chủng loại. Đây là một trong những hạn chế khiến sản phẩm khó tiếp cận với khách hàng khi họ chưa hiểu hết giá trị thực.
“Đối tượng chủ yếu đến tìm mua mặt hàng dệt thổ cẩm của tôi thường vẫn là những đồng bào dân tộc. Chỉ người đồng bào với đồng bào thì mới mua sản phẩm về làm quà hoặc mặc trong các dịp lễ hội, cưới hỏi. Người ta thấy mình làm đẹp, khác biệt với những nơi khác nên xóm này truyền tai xóm khác, thế là bao năm qua, chị em S’tiêng tại ấp Bù Dinh vẫn giữ được cái nghề truyền thống, lại vừa có thêm thu nhập” - Bà Thị Mương chia sẻ.
Đôi tay tỉ mỉ tạo hoa văn cho sản phẩm |
Để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ dệt không chỉ dành nhiều thời gian gia công mà còn phải dồn tâm huyết từ lựa chọn nguyên liệu đến quy trình quay sợi, dệt vải. Trước kia, các công đoạn đều phải làm bằng thủ công, trồng bông, xe bông, quay sợi,…và chủ yếu sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên như lá, hoa, vỏ cây,… để làm màu nhuộm, sợi vải sau khi nhuộm được phơi khô, tiến hành gỡ các vụn màu. Cũng theo bà Mương, ngày xưa sau khi kéo chỉ, người dệt thường phải nấu trong nước gạo cho cứng sợi, tăng độ bền. Tuy nhiên, ngâm chín quá có thể khiến sợ chỉ giòn, dễ đứt, trái lại mềm quá cũng không đạt chuẩn.
Bộ khung dệt thổ cẩm cầm tay |
Hiện nay khi khoa học công nghệ phát triển, phụ nữ S’tiêng đã có thể tìm mua nguyên liệu sẵn trên thị trường, màu sắc vừa đa dạng, phong phú, chỉ lại có độ bền cao, khó hư hại. Việc này giúp tối ưu công đoạn sản xuất, tạo điều kiện để các chị em yêu nghề có thể dành thời gian cho công việc dệt sau ngày làm rẫy.
Riêng khâu dệt, muốn làm nên hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ, sự am tường nhất định về đường nét, màu sắc, hình khối; đồng thời phải dùng khung dệt thủ công kết hợp cùng dụng cụ cuộn vải, xiết sợi dệt mới đan,… Hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm chủ yếu là các hình khối, người, chim thú, hoa lá và hoa văn họa tiết đơn giản nhưng không kém phần tinh tế khác. Ngày nay, hoa văn trên vải thổ cẩm của người S’tiêng cũng được bổ sung cho phù hợp với thị hiếu và cuộc sống hiện đại.
Khung dệt quay của người S’Tiêng |
“Bản thân là Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ qua nhiều nhiệm kỳ, đồng thời cũng là một phụ nữ dân tộc S’tiêng, tôi luôn đắn đo và trăn trở phải làm thế nào để vừa có thể lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, vừa giúp những chị em tại chính nơi mình sinh sống cải thiện thu nhập”. Do đó, sau thời gian dài suy nghĩ, được sự ủng hộ của chính quyền các cấp, bà Mương cùng các chị em cùng nhau thành lập Tổ dệt thổ cẩm tại nhà riêng ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An.
Khố dệt thổ cẩm của người S’Tiêng |
Hiện nay, tổ dệt có 30 thành viên, với khoảng 15 cá nhân là thợ lành nghề. Mỗi thành viên ước tính có thể dệt trung bình từ 5 - 7 tấm chăn thổ cẩm (kích thước 1,8x2m)/năm cùng một số sản phẩm khác, ước tính thu nhập từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng/người/năm. Trong đó, chăn mền giá dao động từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng; riêng với khăn, áo, khố giá từ 200.000 đồng - 300.000 đồng. Thời gian tới, bà Mương dự kiến sẽ mở thêm lớp dạy cho các hội viên, chị em phụ nữ có mong muốn được học nghề trên địa bàn. Và bà cũng mong muốn gia tăng số lượng thổ cẩm dệt để nhiều người biết đến và bán rộng rãi ra thị trường trong nước.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh An chị Trần Thị Thiên Thu đánh giá, mặc dù đầu ra sản phẩm chưa ổn định nhưng tổ dệt đã cho thấy những nỗ lực đáng khích lệ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa; tạo việc làm, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Đồng thời, thổ cẩm S’tiêng được đưa đến gần hơn với người tiêu dùng.