Nguồn tin: Hội LHPN xã Thiện Hưng
Chi hội trưởng phụ nữ thành công từ niềm đam mê với đan móc thủ công tại xã Thiện Hưng huyện Bù Đốp
Chị Trần Nữ Thùy Dung, sinh ra và lớn lên tại Đắk Lắk, tốt nghiệp Trường trung cấp kế toán và khi lập gia đình chuyển về xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp chị lại gắn bó với nghề làm tiệm tóc. Thế nhưng niềm đam mê với thủ công lại ăn sâu vào máu chị từ khi còn bé, cho nên dù có trong tay tấm bằng và sinh sống chủ yếu với nghề làm tóc, chị vẫn luôn theo đuổi đam mê bộ môn Đan Móc lên sợi thủ công.
Chị kể, từ lúc nhỏ mẹ và bà đã dạy chị cách cầm kim móc, lúc ấy gia đình còn khó khăn không có tiền mua len mẹ chị lại lấy những chiếc mũ, chiếc áo cũ tháo sợi cho chị tập móc rồi dần dần quen tay chị đã tự móc được những món đồ nhỏ xinh để làm quà tặng bạn bè, người thân mỗi dịp sinh nhật. Rồi thời gian dần trôi qua cũng như bao bạn bè cùng trang lứa chị lớn lên học tập và làm việc, tạm quên đi đam mê của mình. Thỉnh thoảng chị làm một vài món đồ cho con và bản thân dùng được mọi người ngỏ ý làm bán, rồi người này giới thiệu người kia nên mọi người biết đến chị nhiều hơn, chị nhận thấy rằng sản phẩm đan móc len ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều, từ đó chị Thuỳ Dung bắt đầu tìm tòi học hỏi sáng tạo mẫu mới tự nghiên cứu làm các sản phẩm thương hiệu riêng của mình. Chị tham gia hàng trăm hội nhóm đan móc với hàng ngàn hội viên từ khắp các miền Tổ quốc để giao lưu, kết bạn và học hỏi thêm được nhiều kỹ thuật đan móc, tìm tòi đọc thêm sách và xem video trên youtube, liên tục sáng tạo ra sản phẩm mới để nâng cao tay nghề.
Năm 2021, với số vốn ban đầu 5 triệu đồng, được sự hỗ trợ của phòng Nông nghiệp và Hội LHPN huyện, chị đã tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu thương hiệu Cô Hai Handmadegifts và có cửa hàng nhỏ riêng để chưng bày sản phẩm và bán cho khách hàng. Đến năm 2023 thương hiệu Cô Hai Handmadegifts được UBND huyện Bù Đốp công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao của huyện, từ đó chị tạo ra nhiều sản phẩm với nhiều mẫu mã đa dạng, được người tiêu dùng biết đến và chị bán được nhiều hơn. Bên cạnh đó chị còn tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm của mình tại các hoạt động trong và ngoài huyện như: Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Bình Phước, Đại hội các ngành, hoạt động giới thiệu quảng bá hoạt động khởi nghiệp do sở Khoa học Công nghệ tỉnh phối hợp tổ chức. Những sản phẩm chị mang tới trưng bày đã đem lại sự mới lạ cho khách tham quan. Chị cảm thấy như được tiếp thêm nguồn động lực để hiện thực hoá đam mê của chị. Chị cho biết để tạo ra những sản phẩm đẹp ngoài sự khéo tay, sự kiên trì và sáng tạo thì quan trọng là phải có đam mê thực sự với nghề, mang nét độc đáo riêng thì mới có thể trụ vững trong thị trường handmade. Không chỉ có vậy, chị còn có mong muốn chia sẻ, hướng dẫn đan móc len cho nhiều người hơn, nhất là lao động nữ và các chị em thiệt thòi. Chị mong muốn có thể tìm đầu ra cho sản phẩm và giúp họ kiếm thêm thu nhập từ công việc đan móc này. Do vậy năm 2024 chị đã trực tiếp đứng lớp dạy nghề đan móc len sợi miễn phí cho 60 Hội viên phụ nữ tại xã Thiện Hưng và thị trấn Thanh Bình và 14 trẻ em gái trong độ tuổi từ 10-16 có chung niềm đam mê.
Với niềm đam mê, yêu nghề Chị Thuỳ Dung hy vọng trong thời gian tới cơ sở của chị ngày càng lớn mạnh, có thêm nhiều hội viên phụ nữ và trẻ em được biết đến nghề đan móc để có thêm việc làm và thỏa đam mê, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.