Năm 1997 chị xây dựng gia đình, do kinh tế khó khăn, con nhỏ nên hai vợ chồng phải làm thuê làm mướn để trang trải cho cuộc sống chị đành phải xin nghỉ công tác tại xã. Cho đến năm 2006, kinh tế gia đình cũng tạm ổn, con cái đã lớn nên chị lại tiếp tục xin tham gia công tác xã hội, làm Cán bộ DS-KHHGĐ và được Đại hội tín nhiệm bầu vào UV.BCH; UV.BTV Hội LHPN xã nhiệm kỳ 2006 – 2011.
Đến tháng 3/2011 được sự điều động của lãnh đạo địa phương và được sự tín nhiệm của chị em CBHVPN chị vinh dự được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã, điều khó khăn nhất lúc đó đối với bản thân chị là tháng 4/2011 sẽ tiến hành tổ chức Đại hội Đại biểu phụ nữ nhiệm kỳ (2011 – 2016). Trong khoảng thời gian quá ngắn chỉ có hơn một tháng để chuẩn bị công tác tổ chức, bản thân chị rất lo lắng vì lúc chưa có kinh nghiệm, kiến thức kỹ năng, chưa từng tổ chức một sự kiện lớn như vậy. Song được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tận tình của Hội cấp trên, của Đảng uỷ, UBND, sự phối hợp các ban ngành đoàn thể, sự ủng hộ, đoàn kết, đồng lòng của các chị UV.BCH, chị em HVPN. Đặc biệt sự giúp đỡ tận tình của chị Dung Nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã, với sự nỗ lực của bản thân luôn cầu thị lắng nghe, học hỏi chị em đơn vị bạn, nên công tác tổ chức Đại hội được thành công tốt đẹp. Từ kết quả ban đầu cũng là bước đệm cho chị bước tiếp chặng đường chị đã cố gắng phấn đấu, không mệt mỏi với một công việc quá mới mẻ cũng là những khó khăn thách thức trong thời gian tiếp theo. Vì vậy việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, lý luận chính trị luôn được chị quan tâm. Tháng 6/2011 chị được Đảng uỷ, UBND xã tạo điều kiện cử tham gia học lớp Trung cấp chuyên ngành công tác xã hội (Trung cấp Phụ vận). Trong thời gian tham gia học trong hoàn cảnh gia đình khó khăn con cái ăn học còn nhỏ, hàng ngày vừa công tác, vừa đi học (Chị phải mượn xe của người em để đi học hàng ngày đi về khoảng hơn 90km mà khi đó đường đi không được thuận lợi như bây giờ) nhưng được sự động viên của chồng, chị đã làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ và hoàn tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Xã Minh Lập là địa phương có nhiều thành phần dân cư trong đó có đồng bào dân tộc, tôn giáo, có thôn ấp cách xa trung tâm xã khoảng 15 km, chủ yếu sinh sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, trình độ học vấn cũng như nhận thức của người dân còn hạn chế, việc thu hút hội viên phụ nữ tham gia vào tổ chức hội gặp nhiều khó khăn, do kinh tế khó khăn, không có điều kiện để tham gia, hơn nữa một số phụ nữ có tư tưởng vào Hội để có quyền lợi nhưng nghĩa vụ thì không có trách nhiệm…Đặc biệt người dân là đồng bào dân tộc, những năm trước được nhà nước quan tâm hỗ trợ các chính sách ưu đãi như Chương trình 134, 135 của Chính phủ…sự chông chờ ỉ lại của một số người dân vẫn còn nên công tác tuyên truyền vận động gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, năm 2018 do điều kiện hoàn cảnh gia đình nên chị Phó Chủ tịch Hội xin nghỉ việc, Đảng uỷ điều động một cán bộ công chức kiêm nhiệm, xong do công tác chuyên môn nhiều nên cũng không hỗ trợ nhiều cho hoạt động Hội, trong thời gian đó thực hiện việc tinh giảm biên chế, cụ thể là việc bãi bỏ chức danh và phụ cấp của các chi hội đoàn thể theo NQ số 06 của HĐND tỉnh và QĐ số 34 của UBND tỉnh dẫn đến hầu hết các chị chi hội trưởng, chi hội phó có tư tưởng xin nghỉ, một số chi trưởng phải kiêm nhiệm nên lượng công việc rất nhiều. Trước tình hình đó chị đã phải thường xuyên thuyết phục, vận động các chị tiếp tục tham gia để duy trì hoạt động phong trào của Hội tại cơ sở.
Bên cạnh đó, thực hiện việc ký ủy thác với Ngân hàng CSXH, do Minh Lập là một địa phương có nhiều dân cư di cư tự do từ nơi khác về lập nghiệp sinh sống thời gian không ổn định nay ở mai đi. Đặc biệt những năm qua việc mua bán đất đai nhà cửa không qua chính quyền địa phương nên khó trong việc quản lý, khi phát hiện thì mọi thủ tục đã xong, vì vậy bản thân chị phải thường xuyên nhắc nhở các tổ trưởng tổ vay vốn theo dõi, nắm bắt và phối hợp với ngân hàng CSXH xử lý kịp thời những trường hợp có ý định vay giùm, vay ké, hộ bỏ đi khỏi địa phương. Có những lần hộ vay gần đến hạn trả nợ mà thường xuyên đi làm ăn xa nên chị cùng với tổ trưởng phải tới nhà vào lúc 20 giờ tối, nhà thì xa nên phài nhờ chồng phải đưa đi. Kết quả đã phối hợp với NHCSXH, chính quyền địa phương, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc nhắc nhở các tổ trưởng tổ TK&VV nên việc xử lý thu hồi nợ gốc, lãi tồn đọng số tiền trên 300 triệu đồng. Hàng năm vẫn có trường hợp phát sinh nhưng chị đều tham mưu xử lý kịp thời yêu cầu hộ vay cam kết thực hiện.
Từ những khó khăn thách thức đó, bản thân chị luôn tìm cách tháo gỡ để đưa phong trào Hội ngày càng đi lên và được lãnh đạo các cấp tin tưởng, chị em HVPN tin yêu ủng hộ, chị đã được các cấp tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Chị luôn xác định để phong trào hội hoạt động có hiệu quả, người đứng đầu tổ chức phải biết nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chị em HVPN và xác định công tác tuyên tuyền, vận động luôn được quan tâm hàng đầu nhằm thu hút tập hợp chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Mặc dù là một xã vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc nhưng hàng năm Hội LHPN xã Minh Lập luôn nằm trong tốp đầu của phong trào phụ nữ thị xã Chơn Thành, góp phần xây dựng “Người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của một thị xã trẻ Chơn Thành “Năng động, sinh thái, thông minh”./.
Nguồn tin: Hội LHPN thị xã Chơn Thành