Không ngại “cái mới”
Sau thời gian giãn cách và tình hình dịch Covid-19 dần ổn định, chị Võ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Chơn Thành bắt đầu nghĩ đến chuyện khởi nghiệp với cửa hàng hoa tươi và trái cây nhập khẩu. Vừa tận dụng mối quan hệ rộng rãi có được trong công việc, chị Lan vừa tranh thủ sử dụng mạng xã hội để livestream, chụp hình sản phẩm, xây dựng trang Facebook riêng cho cửa hàng. Chị Lan chia sẻ: “Mở cửa hàng ngay thời điểm này là một sự mạo hiểm, nhưng không ngại điều đó, vì mình nhận thấy bây giờ có rất nhiều kênh bán hàng khác nhau. Mình có thể tiếp cận khách hàng qua nhiều ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok… Những ứng dụng mạng xã hội có thể kết nối nhiều người lại với nhau, ngay cả với những người chưa quen biết nếu mình biết cách sử dụng và làm chủ công nghệ”.
Chị Võ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch Hội LHPN thị trấn Chơn Thành khởi nghiệp thành công từ kinh doanh hoa tươi và trái cây nhập khẩu, chủ yếu trên internet
Chỉ sau gần 4 tháng, cửa hàng hoa tươi và trái cây nhập khẩu của chị Lan đã được nhiều người biết đến. Ngoài khách quen, nhiều khách hàng cũng đặt mua qua mạng xã hội hoặc gọi điện đặt hàng mà không cần đến cửa hàng mua sắm. Không chỉ vậy, chị Lan còn sử dụng các phần mềm công nghệ để quản lý cửa hàng, tạo ra sự thuận tiện cho công việc của mình.
“Công nghệ thông tin bây giờ rất hay. Mình chỉ cần mua phần mềm hoặc ứng dụng quản lý nhân viên là có thể quản lý cửa hàng từ xa. Hiện mình đang sử dụng phần mềm có camera. Bất cứ khi nào nhân viên tính tiền, camera sẽ tự động quay lại khoảnh khắc đó. Bên cạnh đó, số lượng hàng mình nhập về bao nhiêu, chi bao nhiêu, khấu hao bao nhiêu đều có thể quản lý dễ dàng trên điện thoại, giúp mình vừa có thể làm tốt việc ở cơ quan vừa quản lý cửa hàng tốt”. |
Chị Võ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch Hội LHPN thị trấn Chơn Thành |
Từ thực tế có thể thấy, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, công cụ hữu dụng giúp thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm. Do đó, trang bị cho phụ nữ các kiến thức và kỹ năng số cơ bản được coi là một trong những giải pháp giúp mở rộng kinh doanh, kết nối, đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng trong thời đại kinh tế số.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, giúp phụ nữ thêm phương tiện và tự tin hơn trong hòa nhập với cuộc sống hiện đại, đồng thời tiếp cận nhiều hơn về mặt kiến thức, “giải phóng” phụ nữ về nhiều mặt. Công nghệ sẽ mở ra không gian và các giá trị mới, cơ hội mới cho phụ nữ. Do đó, nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng số của phụ nữ, chú trọng đến việc phổ cập công nghệ số và tích lũy các kỹ năng cần thiết cho trẻ em gái, nhất là ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cần được quan tâm nhằm tăng khả năng hưởng lợi của phụ nữ và trẻ em gái từ các cơ hội do chuyển đổi số mang lại.
Bà Đặng Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bù Gia Mập chia sẻ: “Bù Gia Mập là huyện có đông hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận công nghệ có phần hạn chế. Hiện chúng tôi mới chỉ thông qua Facebook hoặc Zalo của hội để chia sẻ, kết nối với nhau. Nhưng mới chỉ dừng lại ở đó chứ chưa có các hoạt động như tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh hoặc hỗ trợ kết nối với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm”.
Hiện nay, Facebook, Zalo là 2 ứng dụng được hội viên phụ nữ sử dụng nhiều nhất trong quá trình tiếp cận với công nghệ. Các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng trang Facebook riêng và sử dụng Zalo là chính để liên lạc. Các hình ảnh, hoạt động của tổ chức hội được các chị đăng tải, quảng bá rộng rãi hoặc kết nối, tiếp cận với nhiều nguồn lực hơn. “Qua Facebook, Zalo, chúng tôi kết nối với nhiều mạnh thường quân hơn. Các hoạt động của hội tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, đồng thời giúp chúng tôi tổ chức thành công các hoạt động, phong trào của hội” - chị Nguyễn Thị Dần, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết.
“Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược mà Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh xây dựng, hướng tới thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026. Thực hiện kế hoạch này, hội LHPN các cấp trong tỉnh sẽ triển khai các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động hội; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Có thể thấy, trước những thời cơ và thách thức mà chuyển đổi số mang lại, mỗi phụ nữ cần nỗ lực vượt qua chính mình, tự trau dồi, trang bị kiến thức để công nghệ không còn là điều quá xa lạ mà dần trở thành kỹ năng, thậm chí thành thói quen mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể thông thạo.
Nguồn tin: Bùi Thị Loan - Hội LHPN tỉnh (Trích dẫn https://baobinhphuoc.com.vn/)
Ý kiến bạn đọc