Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phướchttps://phunubinhphuoc.org.vn/uploads/banner-2023-ok.jpg
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp phụ nữ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Thứ sáu - 09/09/2022 05:55 404
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp phụ nữ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (lần 1). Đối tượng lấy ý kiến là cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ; cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và đơn vị trực thuộc; hội viên của các tổ chức thành viên… Thời gian lấy ý kiến từ đầu tháng 8 đến ngày 15/9/2022. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã đề ra yêu cầu, việc tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp phụ nữ của các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh phải được tiến hành đúng quy định pháp luật, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và giải pháp trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tiến trình góp ý dự thảo Luật phải đảm bảo dân chủ, khoa học, công khai, phối hợp lồng ghép các hoạt động một cách linh hoạt, hiệu quả. Tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến của các tầng lớp phụ nữ tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đề nghị cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ phát huy trí tuệ, trách nhiệm tập trung góp ý kiến vào một số nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất; quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất. Tham gia đóng góp ý kiến theo các hình thức như: tham gia ý kiến trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, cổng thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại chuyên mục góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị để tổ chức hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm; sinh hoạt hội viên góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sáng ngày 09/9/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức cơ quan tỉnh Hội. Đồng chí Lê Thị Thanh Loan, Tỉnh ủy viên – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Trên cơ sở nghiên cứu Tờ trình Luật đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật đất đai của Quốc hội soạn thảo phục vụ lấy ý kiến nhân dân, cán bộ, công chức cơ quan Hội LHPN tỉnh đã tham gia đóng góp 12 ý kiến. Đa số ý kiến đều đồng tình, ủng hộ với việc lấy ý kiến toàn dân đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Các ý kiến cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) đã xây dựng dựa trên quan điểm bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18- NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, ổn định của hệ thống pháp luật. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19 - NQ/TW và thi hành Luật đất đai. Một số ý kiến riêng về chọn các phương án cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): đề xuất chọn Phương án 3 Điều 149 (Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng). Lý do: để địa phương chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Về giá đất, đề xuấtchọn phương án 1 Điều 18: “Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.”. Lý do: Quy định này đã được áp dụng ổn định trong suốt quá trình thi hành Luật Đất đai. Điều này cũng đảm bảo nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đề xuất chọn phương án 2 Điều 208; về khung giá đất đề xuất chọn phương án 1 Điều 209; về bảng giá đất và giá đất cụ thể đề xuất chọn phương án 1 khoản 1 Điều 210. Lý do: Việc ban hành khung giá sẽ tránh sự chênh lệch lớn giữa các địa phương trong cùng khu vực. Tăng tính chủ động cho địa phương khi thực hiện. Vấn đề quy hoạch sử dụng đất, giải tỏa và đền bù khi Nhà nước thu hồi đất cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu đề nghị cần quan tâm đến Luật hóa đổi mới nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch sử dụng đất, kết nối đồng bộ với quy hoạch chuyên ngành khác. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, phù hợp với nhu cầu của đối tượng có đất thu hồi và điều kiện của từng địa phương. Tại khoản 2 Điều 76 đề nghị bổ sung hoặc nghiên cứu cụ thể hóa trong các văn bản dưới Luật về các điều kiện phải đảm bảo khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất sao cho đảm bảo các vấn đề về giới, quan tâm bảo đảm các điều kiện về an toàn cho phụ nữ, trẻ em thuộc các khu vực phải giải tỏa, cưỡng chế thu hồi đất. . Ngoài ra, đại biểu cũng mong muốn việc sửa đổi Luật Đất đai phải đồng bộ với các Luật khác nhau như: Luật về nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật quy hoạch, Luật đấu thầu, Luật Thuế… Sử dụng công cụ thuế điều chỉnh, nhằm khắc phục tình trạng đầu cơ về đất đai.
Đại biểu cho ý kiến tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, đồng chí Lê Thị Thanh Loan, Tỉnh ủy viên – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu có nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng vào Dự thảo. Đề nghị bộ phận chuyên môn tổng hợp đầy đủ, chính xác để gửi cho các cơ quan cấp trên theo yêu cầu. Đồng thời, đề nghị toàn thể cán bộ, công chức cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát huy trí tuệ đóng góp cho dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Sau Hội nghị này, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với đối tượng cán bộ Hội chuyên trách cấp huyện, nữ trí thức, nữ doanh nhân và đại diện lãnh đạo nữ các sở, ngành của tỉnh. Việc lấy ý kiến sẽ hướng đến việc đảm bảo quyền, nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất; quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất.