Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Long thuộc tỉnh Sông Bé (cũ), cùng với gia đình trải qua biết bao biến cố của cuộc chiến tranh tàn phá khốc liệt, mồ côi cha từ lúc 5 tuổi do tai nạn chiến tranh, cuộc sống tuổi thơ của chị không có ngày nào được bình yên bởi những lúc phải chạy giặc, bởi những cơn đói khát vì không có miếng ăn. Do phải chạy giặc ở nhiều nơi nên đến năm 8 tuổi chị mới được đi học lớp 1, song con đường học vấn của chị cũng quá gian nan và vất vả; đến năm 16 tuổi vì muốn theo kịp các bạn cùng trang lứa, chị đã quyết tâm vừa đi làm vừa tham gia học bổ túc văn hoá.
Chị lập gia đình khi tròn 20 tuổi, song do hoàn cảnh hai gia đình đều nghèo khó nên cuộc sống mưu sinh của hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn, phải đi làm thuê làm mướn ngày qua ngày để có bữa rau bữa cháo, nhưng cả hai vợ chồng chị luôn sống với tinh thần lạc quan, yêu đời, hướng về phía trước, gia đình chị luôn tràn đầy tiếng cười với niềm hạnh phúc là có 3 cậu con trai khôi ngô, tuấn tú rất ngoan và hiếu thảo với bố mẹ.
Chính vì đã trải qua cuộc sống nghèo khó đầy khó khăn, vất vả, thấm thía biết bao nổi khổ cực của cuộc sống và chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le, khốn khó của những phụ nữ nghèo, đơn thân, cùng với ước muốn làm việc thiện nguyện của cha chị khi còn sống đã thôi thúc trong chị động lực “ mình phải làm gì” để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh, không gặp may mắn trong cuộc sống, mặc dù cuộc sống gia đình chị cũng còn khó khăn.
Ban đầu một mình làm việc thiện nguyện giúp đỡ cho mọi người, đối với chị đôi lúc chỉ là tiết kiệm, gom góp tiền đi chợ để mua con cá, bó rau, các nhu yếu phẩm thiết yếu góp phần giúp đỡ người nghèo, bất hạnh và không biết tự khi nào việc làm từ thiện của chị đã lan toả đến nhiều người, chị có thêm những người bạn, những con người cùng chí hướng, gắn kết với nhau thành lập nên Câu lạc bộ “Hạt gạo ấm lòng” với mục đích cao cả và nhân văn là giúp đỡ được thật nhiều mảnh đời bất hạnh, éo le trong cuộc sống.

Chị Đào Thị Xuân (người thứ ba từ phải sang) cùng các thành viên CLB Hạt gạo ấm lòng
tham gia ủng hộ cho gia đình cô Hoàng Thị Huệ - ấp Suối Cam – xã Tiến Thành
Ngoài việc kết nối những trái tim nhân ái, những tấm lòng sẻ chia của tất cả mọi người, chị Xuân còn tổ chức mở lớp học tình thương và nhận nuôi các em nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa về chăm sóc và dạy dỗ. Chị chia sẻ: “Vì bản thân mình là một đứa con mồ côi cha từ thuở bé và lớn lên trong cảnh nghèo khó, vì vậy khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh hay những cuộc đời đáng thương, mình muốn sẽ là người tiếp thêm sức mạnh và động lực cho các số phận không may này tiếp tục có cơ hội vươn lên trong cuộc sống để sau này trở thành con người có ích cho gia đình và xã hội”
Lớp học tình thương mở tại nhà chị Đào Thị Xuân
Bên cạnh đó, chị Xuân còn tích cực tham gia và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao trên cương vị là Chi hội trưởng chi hội Chữ thập đỏ ấp 3. Với tinh thần vô tư, tự nguyện, nhiệt huyết trong công tác từ thiện xã hội, chị còn làm tốt công tác tuyên truyền vận động, khơi gợi, phát huy lòng nhân ái trong cán bộ, hội viên và nhân dân, tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cũng như hội các cấp và những nhà mạnh thường quân để chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ vươn lên trong cuộc sống. Trong những năm qua, chị Xuân đã cùng Hội vận động giúp đỡ hàng trăm gia đình chính sách, người nghèo, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa trên 203 triệu đồng. Bản thân chị thường xuyên tặng tập, viết cho học sinh nghèo hiếu học tại địa phương; phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể đi vận động ủng hộ đồng bào miền Trung, miền Bắc bị thiên tai, lũ lụt …với số tiền là 63.000.000 đồng.

Chị Đào Thị Xuân (người cầm micrô) tham gia chương trình kết nối cộng đồng trái tim
Những việc làm đầy ý nghĩa của chị Đào Thị Xuân đã góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, chị xứng đáng là gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”, vừa được Hội LHPN tỉnh tuyên dương trong dịp 8/3/2018 vừa qua.