Chị Phan Thị Mừng - điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp
Thứ tư - 15/06/2022 21:183380
Trong thời gian qua, cùng với việc triển khai thực hiện các phần việc phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới, phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” đã được các cấp Hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở triển khai sâu rộng, lan tỏa đến cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Bù Đốp. Thông qua phong trào đã có nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, trong đó Chị Phan Thị Mừng, hội viên phụ nữ ấp 6, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp là một điển hình tiêu biểu. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp tại vùng quê Hà Tĩnh, năm 1998 chị cùng chồng vào miền Nam lập nghiệp với đôi bàn tay trắng.
Chị Phan Thị Mừng đang chăm sóc đàn dê giống
Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo chị đã trăn trở, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống. Nhận thấy mô hình chăn nuôi dê và bò phù hợp với diện tích đất hạn hẹp của gia đình, với số vốn tích góp được và vay thêm từ họ hàng và nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bù Đốp, vợ chồng chị lựa chọn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình chăn nuôi dê và bò. Nghĩ là làm, chị bàn với chồng làm chuồng trại, cải tạo diện tích đất sản xuất trồng cỏ để chăn nuôi. Ban đầu chăn nuôi với quy mô nhỏ với 4 con dê giống và 01 con bò giống, đến nay, gia đình chị đã phát triển mở rộng thêm chuồng trại, tăng số lượng đàn dê giống lên 35 con và 05 bò giống. Chị Mừng chia sẻ: “Lúc đầu chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn dê chậm lớn, sinh sản chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Sau thời gian tìm hiểu và đăng ký tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi dê, bò do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp tổ chức, tôi dần có kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc cho đàn dê, bò một cách khoa học hơn, tôi áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình nên trong quá trình chăn nuôi đàn dê nhanh lớn, sinh sản mạnh đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Mỗi năm cung cấp ra thị trường trung bình 120 con dê thịt và dê giống, trừ chi phí, thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Thu nhập dần ổn định, kinh tế gia đình cũng bắt đầu phát triển ổn định”. Điều đáng quý ở chị Mừng chính là tinh thần phấn đấu, vươn lên thoát nghèo từ đôi bàn tay trắng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn là hội viên rất tích cực, năng động tham gia các phong trào thi đua, các hoạt động thiện nguyện của Hội và địa phương phát động. Với cách làm kinh tế của chị không những làm giàu cho gia đình mà còn là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn mạnh dạn học tập và làm theo, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.