Những năm đầu khi mới lập gia đình cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, chị Thịnh đã chịu khó tìm tòi học hỏi chăm sóc cây trồng, vật nuôi, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng phù hợp. Gia đình chị Thịnh đã chuyển đổi cây trồng từ cây tiêu, điều, cao su sang trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh, bơ... Vạn sự khởi đầu nan, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc trồng cây chưa đạt hiệu quả cao. Nhưng chị Thịnh đã cùng chồng không nản chí và tiếp tục nghiên cứu học hỏi, tham khảo thêm các kiến thức, đến nay gia đình chị đã thu hoạch đạt hiệu quả cao, đảm bảo phục vụ khách hàng chất lượng tốt, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 250 triệu đồng.
Từ kinh nghiệm thành công, chị Thịnh không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả trong sản xuất với bà con nhân dân trong khu phố, để mọi người tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với thổ dưỡng, góp phần đẩy mạnh các phong trào, mô hình ở địa phương.
Dù tất bật với công việc gia đình, hàng ngày vào 5 giờ sáng là chị mang háng hóa ra chợ bán, thế nhưng chị Thịnh vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Chi hội phụ nữ khu phố và Hội LHPN phường, chị luôn gương mẫu tham gia các phong trào ở địa phương, nhiều năm liền gia đình chị đều được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Bản thân chị Thịnh cũng là một hội viên phụ nữ rất nhiệt tình với công tác hội, luôn tham gia nhiệt tình trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ở phương.
Với cách làm kinh tế của gia đình chị, không những làm giàu cho gia đình mà còn là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trong khu phố mạnh dạn học hỏi và làm theo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn tin: Hội LHPN Thị xã Bình Long