Giải thưởng Nguyễn Thị Định là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam dành tặng cán bộ Hội LHPN chuyên trách các cấp có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội LHPN Việt Nam vững mạnh.
Tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam các đại biểu cùng thảo luận về Dự thảo Quy chế Giải thưởng Nguyễn Thị Định. Đây là giải thưởng cao quý dành đối tượng là cán bộ Hội LHPN chuyên trách các cấp (Trung ương, tỉnh/thành/đơn vị, quận/huyện, cơ sở và tương đương).
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ XIII về việc thành lập Giải thưởng Nguyễn Thị Định - Giải thưởng dành cho cán bộ Hội tiêu biểu xuất sắc; Căn cứ các quy định của Luật thi đua, khen thưởng, các Nghị định, Thông tư hiện hành; trên cơ sở kết quả khảo sát, lấy ý kiến Hội LHPN các tỉnh/thành, đơn vị, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã dự thảo Quyết định ban hành Quy chế Giải thưởng Nguyễn Thị Định thực hiện trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam.
Theo dự thảo, Giải thưởng Nguyễn Thị Định (Giải thưởng) được trao tặng 1 lần cho cán bộ Hội đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Việc xét tặng Giải thưởng phải đảm bảo đúng đối tượng; quan tâm khen thưởng cán bộ Hội cấp cơ sở. Đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, đúng thẩm quyền.
Giải thưởng được trao tặng 2 đợt trong một nhiệm kỳ. Tùy số lượng hồ sơ và thành tích của cán bộ Hội được đề xuất, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ quyết định số lượng trao tặng Giải thưởng từng đợt, tối đa không vượt quá 35 Giải thưởng/đợt.
Điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng
Tiêu chuẩn chung: Cá nhân được xét trao tặng Giải thưởng phải đạt các tiêu chuẩn sau:
- Là cán bộ Hội LHPN chuyên trách các cấp tiêu biểu, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao (theo chức danh, vị trí công tác) trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua và các nhiệm vụ công tác Hội.
- Có tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, có sáng kiến, ý tưởng, giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội, được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, được nhân rộng ở địa phương, đơn vị và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc; có sức lan tỏa rộng rãi, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng tổ chức Hội LHPN Việt Nam vững mạnh và đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
- Bản thân và gia đình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín và ảnh hưởng tốt; được hội viên, phụ nữ tin tưởng, tín nhiệm, noi gương.
- Đối với cán bộ Hội là người đứng đầu tổ chức, đơn vị: Cá nhân đạt danh hiệu CSTĐ cơ sở trở lên trong vòng 5 năm tính đến thời điểm xét; đơn vị do cá nhân phụ trách được xếp loại Đơn vị xuất sắc 2 năm liền kề với năm đề nghị xét tặng Giải thưởng. Có tầm ảnh hưởng trong phạm vi cấp quản lý, là tấm gương để cán bộ Hội các cấp noi gương, học tập.
- Không bị các hình thức kỷ luật trong vòng 3 năm liền kề tính đến thời điểm xét tặng Giải thưởng.
Tiêu chuẩn cụ thể: Ngoài các tiêu chuẩn chung, cần đạt các tiêu chuẩn theo từng đối tượng, cụ thể như sau:
- Đối với cán bộ Trung ương Hội: Có sáng kiến, ý tưởng, giải pháp tham mưu, chỉ đạo mang tính chiến lược, đổi mới được áp dụng thực hiện trong hệ thống Hội.
- Đối với cán bộ Hội LHPN tỉnh/thành, đơn vị: Có sáng kiến, ý tưởng, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong tham mưu, chỉ đạo cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị; được áp dụng thực hiện, nhân rộng tại địa phương, đơn vị và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc.
- Đối với cán bộ Hội LHPN huyện: Có sáng kiến, ý tưởng, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong tham mưu, chỉ đạo cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Hội LHPN cấp trên, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị; được áp dụng thực hiện, nhân rộng ở địa phương, đơn vị và có khả năng nhân rộng trong toàn tỉnh hoặc toàn quốc.
- Đối với Chủ tịch Hội LHPN cơ sở:
Thực hiện tốt nhiệm vụ của Chủ tịch Hội cơ sở được quy định tại điểm 15, mục 15.2 "quy định nhiệm vụ của Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở", Hướng dẫn số 01/HD-BCH ngày 28/6/2022 Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.
Có ý tưởng, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Hội LHPN cấp trên và triển khai thực hiện phong trào thi đua và các nhiệm vụ công tác Hội phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị; được áp dụng thực hiện, nhân rộng ở địa phương, đơn vị và có khả năng nhân rộng trong toàn huyện hoặc tỉnh hoặc toàn quốc.
Tùy điều kiện thực tế, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam có thể bổ sung tiêu chuẩn xét chọn Giải thưởng.
Quyền và trách nhiệm của cá nhân được nhận giải thưởng
- Được nhận Giải thưởng kèm theo phần thưởng bằng tiền mặt hoặc hiện vật theo quyết định của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam (theo điểm 2, điều 10 của Quy chế này); có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng.
- Được tổ chức Hội LHPN các cấp; các ban, bộ, ngành liên quan (do Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam giới thiệu và đề nghị) theo dõi, tạo điều kiện để tiếp tục phấn đấu, cống hiến. Có trách nhiệm giữ vững và phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục phấn đấu để lập thành tích cao hơn; tham gia tích cực các hoạt động do Hội LHPN các cấp tổ chức, tiếp tục đóng cho sự nghiệp xây dựng tổ chức Hội LHPN Việt Nam.
- Có trách nhiệm tham gia một số hoạt động xã hội do Hội LHPN các cấp tổ chức (nếu được triệu tập); bảo quản tốt các hiện vật khen thưởng; không sử dụng hiện vật khen thưởng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các hành vi xâm phạm đến uy tín của tổ chức Hội.
Nguồn tin: Báo Phụ Nữ Việt Nam