Chương trình phối hợp tập trung vào một số nội dung cụ thể gắn với triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII với mục đích:
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng "Văn hóa giao thông" trong cán bộ, hội viên, phụ nữ;
- Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và các thành viên trong gia đình nghiêm túc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự ATGT;
- Uống có trách nhiệm, đã uống rượu bia - không lái xe, xây dựng "Gia đình có trách nhiệm trong thực hiện ATGT" góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; "Gia đình 5 có, 3 sạch" và phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" nhằm xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh;
- Phát huy vai trò các cấp Hội và nguồn lực của hai ngành trong tuyên truyền, vận động và giám sát việc bảo đảm ATGT, góp phần thực hiện chỉ tiêu kéo giảm từ 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông, qua đó giảm thiểu tác động của tai nạn giao thông đối với phụ nữ, trẻ em vì gia đình bình an - xã hội hạnh phúc.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương mong muốn, Chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo, hai ngành sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động cụ thể, phù hợp với thực tiễn của từng khu vực, địa bàn, đối tượng để đạt được các kết quả thực chất, tích cực, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng “Gia đình có trách nhiệm trong thực hiện an toàn giao thông”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “gia đình 5 có, 3 sạch” và phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Phát biểu tại Chương trình, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia - nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong tham gia giữ gìn, bảo đảm ATGT, thể hiện mạnh mẽ tinh thần cam kết sẽ chủ động, trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp. Đồng thời đề nghị hai đơn vị sẽ có những hoạt động phối hợp trong in ấn sổ tay, tờ rơi tuyên truyền về ATGT được dịch ra một số tiếng dân tộc để có thể hướng dẫn sinh động, trực tiếp, đơn giản các quy định về ATGT cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở và hội viên, phụ nữ ở địa phương.
Các nội dung trong Chương trình phối hợp mang tính định hướng, khung hoạt động phối hợp trong cả nhiệm kỳ và từng năm để Hội LHPN và Ban An toàn giao thông các tỉnh/thành căn cứ vào đó đề ra những hoạt động phối hợp cụ thể, phù hợp với từng khu vực, từng địa bàn, đối tượng.
Chương trình đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể gồm: Hàng năm, Hội LHPN các cấp tổ chức được ít nhất 01 hoạt động phù hợp nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về ATGT; Mỗi cơ sở Hội xây dựng, vận động ít nhất 05 hộ gia đình có trách nhiệm trong thực hiện an toàn giao thông; 100% cán bộ, hội viên và 70% phụ nữ được cung cấp kiến thức pháp luật về ATGT, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi khi tham gia giao thông, trở thành “Nữ tuyên truyền viên về an toàn giao thông” tại cộng đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm túc các quy định khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông tại địa phương cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và các thành viên trong gia đình.
Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội LHPN các cấp; trang bị phương pháp tổ chức, thực hiện các hoạt động, cách thức tuyên truyền, vận động; Nghiên cứu, ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong xây dựng tài liệu, sản phẩm truyền thông phù hợp với yêu cầu thực tiễn, vùng miền và từng nhóm đối tượng hội viên, phụ nữ.
Tổ chức các hoạt động giao lưu sáng kiến truyền thông, hội thi, diễn đàn, tọa đàm... nhân tháng cao điểm về an toàn giao thông; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi/tổ/nhóm, sinh hoạt CLB; truyền thông trên các phương tiện truyền thông của hai ngành, trên hệ thống loa, đài phát thanh, đài truyền hình địa phương; mạng xã hội... Phối hợp tổ chức “Ngày hội an toàn giao thông” cấp khu vực tại các địa bàn trọng điểm về an toàn giao thông; Hội thi “Nữ tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông” toàn quốc.
Nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình “Gia đình có trách nhiệm trong thực hiện an toàn giao thông” với các thông điệp: Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông; Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện ATGT; Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán, họp chợ, phơi nông sản gây tai nạn và ách tắc giao thông...
Biểu dương, tôn vinh gương người tốt việc tốt; Phối hợp triển khai chương trình Mottainai “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc”, phát hiện các trường hợp phụ nữ và trẻ em bị tai nạn giao thông hoặc chịu ảnh hưởng, tác động của tai nạn giao thông để đề xuất các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ phù hợp.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội, hội viên, phụ nữ tham gia công tác giám sát thực hiện an toàn giao thông. Nắm bắt thông tin, phát hiện những điểm đen dễ xảy ra tai nạn giao thông để phản ánh, báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý kịp thời.
Tham mưu, đề xuất chính sách trong lĩnh vực đảm bảo ATGT: góp ý có chất lượng các văn bản pháp luật, đề xuất chính sách, các vấn đề đảm bảo quyền lợi phụ nữ, trẻ em mang yếu tố lồng ghép giới; nghiên cứu, đánh giá tác động ảnh hưởng của tai nạn giao thông với phụ nữ và gia đình, đề xuất xây dựng đề án, chính sách hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông.