Dự hội thảo có Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng Ban gia đình - xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Thị Thu Thủy; lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ một số tỉnh khu vực Đông Nam Bộ: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Hội thảo đã được nghe nhiều đại biểu tham luận về: “Bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và duy trì bền vững địa chỉ tin cậy cộng đồng”; “Thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp trong phát hiện, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội góp phần thực hiện chỉ tiêu 3 nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII”; “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình và nhân rộng địa chỉ tin cậy trên địa bàn huyện Lộc Ninh"; “Kinh nghiệm, giải pháp phát huy vai trò của nam giới trong phòng, chống bạo lực gia đình và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng ngừa bạo lực gia đình” và “Bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thực hiện chỉ tiêu 3 nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, chỉ tiêu về địa chỉ tin cậy và công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh”.
Hội thảo cũng đã được nghe lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh, thành phố thảo luận chia sẻ kinh nghiệm các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình; các phương pháp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; cách tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội khi bị bạo lực gia đình; kinh nghiệm vận hành hoạt động các địa chỉ tin cậy. Đồng thời đề xuất, góp ý một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng Ban gia đình - xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trương Thị Thu Thủy đánh giá cao các ý kiến thảo luận, kinh nghiệm chia sẻ tại hội thảo. Những kiến thức này sẽ là cơ sở cho các địa phương học tập và thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình, vận hành địa chỉ tin cậy.
Phụ nữ Việt Nam chiếm 50,8% dân số và 50,6% lực lượng lao động. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bạo lực gia đình. Qua kết quả nghiên cứu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng Cục thống kê, Viện Gia đình và giới thì có 21,2% các cặp vợ chồng có trải qua hình thức bạo lực từ chửi mắng, nhục mạ, buộc quan hệ tình dục khi không có nhu cầu. Cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp từng xảy ra bạo lực dưới mọi hình thức. Tình trạng bạo lực gia đình những năm gần đây đang diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng, đối tượng vi phạm cùng với số nạn nhân gia tăng ở khắp các vùng miền trong cả nước. |
Nguồn tin: Báo Bình Phước