Chiều 27-7, tại Trường Cao đẳng công nghiệp cao su, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện mới” khu vực Đông Nam Bộ năm 2023.
Dự hội thảo có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; lãnh đạo các cục, vụ của Ủy ban Dân tộc và một số bộ, ngành trung ương; đoàn đại biểu các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Về phía tỉnh Bình Phước dự có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đã thông báo nhanh tình hình kinh tế - xã hội của Bình Phước. Với gần 20% dân số là người dân tộc thiểu số, thời gian qua, Bình Phước xác định rõ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi vì chỉ khi đồng bào thông suốt, chấp hành đúng quy định pháp luật thì công tác này mới thực sự đổi mới, nâng cao chất lượng và đạt hiệu quả.
Tại hội thảo, tham luận của Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp đã làm rõ thực trạng và giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Nam Bộ. Tham luận của Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước tập trung vào vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tham luận của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ những giải pháp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác này; báo cáo viên tham gia tuyên truyền phải đảm bảo quy định về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; khéo léo lồng ghép nội dung tuyên truyền với những câu chuyện, số liệu, sự kiện thực tế để tăng tính thuyết phục; khi xây dựng nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, lồng ghép với việc “lắng nghe, giao lưu” trực tiếp với đồng bào... |
Để tiếp tục phát huy hiệu quả việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đề xuất một số giải pháp như: Các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở địa phương quan tâm hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền; nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tăng cường vai trò nòng cốt của MTTQ và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội…
Hội thảo cũng nghe các đơn vị, địa phương chia sẻ những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, giải pháp đặc thù trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số và vùng biên giới để từ đó tổng hợp, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết.
Nguồn tin: Báo Bình Phước